Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Xin mời các cụ và quý thi hữu cùng họa bài



VỊNH "VƯỜN BÁCH THÚ"

Khuyết danh

Lời dẫn của Tư Đồ Văn Kiểm: Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội rồi xây dựng được bộ máy hành chính ở Bắc Kỳ. Để khoa trương thanh thế, chúng cho tổ chức hội chợ triển lãm ở Vườn Bách thú – Bách thảo nằm đằng sau Phủ toàn quyền Đông Dương (Nay là Phủ chủ tịch và dinh Thủ tướng).

Ngay sáng hôm khai mạc, trên các điểm tụ tập đông người xuất hiện bài thơ này. Bài thơ nhanh chóng được dân Hà Thành rồi cả nước đón nhận nồng nhiệt và tán phát mọi nơi. 

Tôi tìm đựợc bài thơ Vịnh Vườn Bách Thú, tác giả khuyết danh, xuất hiện đúng 80 năm trước nhân hội chợ triển lãm Bắc kỳ năm 1936 tổ chức ở Vườn Bách thú – Bách thảo.

Bài thơ đã tồn tại 80 năm nhưng tính thời sự vẫn nóng hổi, tươi rói, nay xin giới thiệu bài thơ và ba bài họa của tôi. 



Nguyên tác bài thơ như sau:


VỊNH VƯỜN BÁCH THÚ

Dưới tán cây xanh một dẫy chuồng
Trong chuồng nuôi đủ Thú, Chim muông
Khù khì vua Cọp no nằm ngủ
Nhớn nhác dân Hươu đói chạy cuồng
Lũ Khỉ được ăn bày lắm chuyện
Đàn Chim chực miếng hót ra tuồng
Lại còn Gấu dại vài ba chú
Hì hục tranh nhau một cục xương ! 


Ba bài họa của Tư Đồ Văn Kiểm:

HỌA 1

Bách thú thời nay rất lắm chuồng
Chứa nhiều thú lạ với chim muông
Sơn lâm chúa tể, no nằm ngủ
Nai, hoẵng, cheo cheo, đói chạy cuồng
Lũ khỉ, đười ươi bày lắm chuyện
Đàn chim, khướu, vẹt hót ra tuồng
Gấu ngựa, gấu mèo cùng gấu trắng
Hì hục tranh nhau những khúc xương !

HỌA 2

Xã hội hôm nay lắm thứ chuồng
Nhốt nhiều “thú lạ”, lẫn “chim muông”
Đầu đàn vớ bẫm no nằm ngủ
Nhớn nhác đàn em, quậy phát cuồng
Lũ khỉ bày ra muôn chuyện lạ
Bọn ma tạo cớ vét ra tuồng
Lại còn đồ đệ bầy đàn lũ
Hì hục tranh nhau thịt lẫn xương

HỌA 3

Tất tật cùng nhau nhốt một chuồng
Cả thú, cả người, cả chim muông
Đại ca, đầu lãnh no - nằm ngủ
Đệ tử, dân đen đói - chạy cuồng
Lũ nịnh thi nhau “bày” lắm chuyện
Bầy gian chực miếng “hót” ra tuồng
Lại còn một bọn chuyên đồ tể
Xẻ thịt, tranh nhau gặm sạch xương.

TƯ ĐỒ VĂN KIẾM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét